MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY HỘI SÁCH VIỆT NAM 21.4
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
BÀI TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH
MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY HỘI SÁCH VIỆT NAM 21.4
BẠN ĐỌC THÂN MẾN!
Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, “Sách” đóng vai trò rất quan trọng, là chìa khóa vạn năng mở cánh cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. “Sách” thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy cho chúng ta biết sống có ích và sống có lý tưởng. Có thể nói “Sách” là người bạn tâm giao chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn sâu kín trong lòng mỗi chúng ta.
Và từ lâu đọc sách đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của mỗi con người, bởi sách là phương tiện học tập giúp con người nâng cao nhận thức hiểu biết. Sách là kho tàng tri thức mà nhân loại tạo ra truyền lại cho thế hệ sau. Đó là nguồn tri thức rất quan trọng và vô tận đối với tất cả mọi người, những cuốn sách có nội dung tốt không chỉ sẽ đưa đến cho chúng ta những hiểu biết mới mà còn cả những suy nghĩ tìm tòi và sự biến đổi về tâm hồn. Mọi thành công của con người đều nhờ sự kết hợp của kinh nghiệm bản thân với tri thức lĩnh hội được từ việc học trong cuộc sống và trong sách vở. Nếu đọc sách thường xuyên và có khoa học thì kiến thức của mỗi người sẽ không ngừng mở rộng, nâng cao, tiếp cận được sự phát triển của khoa học, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tư duy logic, phương pháp làm việc khoa học, lòng yêu nghề nghiệp và có thái độ đúng đắn với thế giới xung quanh cũng như đối với bản thân mình, nhất là bồi dưỡng sự hứng thú, năng lực và thói quen tự học suốt đời.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hoặc qua các trang web mạng internet thì sách vẫn không thể mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó, gắn bó với con người trong hàng ngàn năm lịch sử. Và cho đến ngày hôm nay, sách vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể so sánh được.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc sách, nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách. Ngày 24/2/2014 thủ tướng chính phủ đã kí quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam với hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa đọc. Đây là một sự kiện văn hóa được tổ chức tại Việt Nam. Nhằm hưởng ứng “Ngày sách và bản quyền thế giới” (ngày 23/4).
BẠN ĐỌC THÂN MẾN!
“Văn hóa đọc” là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Đồng thời, góp phần định hướng đọc cho người dân, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống. “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực. Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, GV, HS và phụ huynh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, GD và rèn luyện nhân cách con người; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mỗi người và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng….
Nhìn từ khía cạnh tích cực, cho thấy phát triển Văn hóa đọc là sự quan tâm của toàn xã hội đến một trong những vấn đề then chốt của giáo dục khai phóng hướng tới năng lực tự học suốt đời của con người, đồng thời cũng phản ánh một thực trạng đáng buồn về sự thiếu hụt “Văn hóa đọc” – nền tảng quan trọng hình thành giá trị nhân văn, sáng tạo của một quốc gia. Câu hỏi đặt ra là, điều gì đã dẫn đến sự thiếu hụt này?
Chúng ta thường cho rằng, kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ với văn hoá nghe nhìn đã lấn át và làm mai một văn hoá đọc. Thực tế thì, ở những quốc gia khai sinh ra nền công nghiệp nghe nhìn và là trung tâm của thế giới về các dịch vụ Internet, kỹ thuật số, phim ảnh, ca nhạc … như Châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản, người dân đọc trung bình 12-20 cuốn sách/năm, một con số cao hơn gấp nhiều lần nếu so với 0.8 cuốn sách/năm của người dân Việt Nam. Vậy văn hóa nghe nhìn có phải là nguyên nhân sâu xa của việc người dân không đọc sách?
Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế rằng, Việt Nam trải qua lịch sử hàng ngàn năm Bắc thuộc và những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm kéo dài dai dẳng, dẫn đến con số kỷ lục 94% dân số mù chữ vào năm 1945. Hệ luỵ nặng nề mà chiến tranh để lại đó là giặc đói, giặc dốt và một nền đọc mỏng kéo dài qua nhiều thế hệ, cùng với việc thiếu các chính sách khuyến đọc trên quy mô quốc gia đã làm mai một văn hóa đọc ngay từ khi còn chưa kịp thai nghén.
Có thể nói Văn hóa đọc chính là cốt lõi của đổi mới giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển xã hội. Dựa trên cơ sở đánh giá tác động và tầm ảnh hưởng của chính sách vĩ mô và vận hành xã hội để có những điều chỉnh và chỉ đạo kịp thời là việc làm cần thiết. “Tuy nhiên, cần hiểu rằng để phá núi đá, chúng ta cần cả thợ khoan, thợ đập đá, thợ bơm nước, thợ nhồi thuốc nổ, xe vận chuyển … Trong công cuộc dỡ phá thành trì ít đọc để xây nên nền móng cho văn hóa đọc, chúng ta cần kiên nhẫn hành động, bởi nó không dễ như phá những núi đá hữu hình. Vũ khí cho công cuộc khai trí là sự tận tâm hành động của hàng triệu con người với những chiến lược rõ ràng và tầm nhìn dài 30-50 năm”.
Nhận thức sâu sắc về vai trò và ý nghĩa của việc đọc sách. Ngày nay tại các địa phương, nhà trường, công sở đều có các thư viện phục vụ bạn đọc. Tại đây bạn đọc có thể đến với những nguồn tri thức vô hạn dưới nhiều hình thức: đọc sách giấy hay điện tử.
Trong ngày hôm nay tôi mong muốn mỗi chúng ta tại đây sẽ có thói quen đọc sách. Sách thật sự trở thành thói quen hàng ngày của mỗi chúng ta.
Xin trân trọng cảm ơn!